Một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế gửi tới Ngân hàng Thế giới cho thấy rằng, việc sử dụng có hệ thống lao động trẻ em trong vụ thu hoạch bông ở Uzbekistan đã chấm dứt và các biện pháp cụ thể để ngăn chặn việc sử dụng lao động cưỡng bức đã được thực hiện.
Cánh đồng bông Uzbekistan.
Báo cáo theo dõi của bên thứ ba về các biện pháp chống lao động trẻ em và lao động cưỡng bức trong vụ thu hoạch bông 2017 tại Uzbekistan được dựa vào hơn 3.000 cuộc phỏng vấn không báo trước, với mẫu đại diện 2,6 triệu người hái bông của cả nước. Kết quả cho thấy rằng nước này đang có những cải cách đáng kể về quyền lao động cơ bản trên các cách đồng bông.
Trưởng Chi nhánh việc làm về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản của ILO cho biết “Vụ thu hoạch bông năm 2017 đã diễn ra trong bối cảnh tăng cường tính minh bạch và đối thoại. Điều này bao gồm tất cả các nhóm xã hội dân sự, bao gồm tiếng nói quan trọng của các nhà hoạt động cá nhân. Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ cho tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng thời gian trễ giữa các nghị định mới và cải cách của chính phủ trung ương và khả năng tiếp cận và thực hiện những thay đổi này ở cấp tỉnh và huyện”.
ILO đã theo dõi vụ thu hoạch bông sử dụng lao động trẻ em từ năm 2013. Năm 2015 bắt đầu giám sát thu hoạch đối với lao động cưỡng bức và lao động trẻ em như là một phần trong thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới.
Các cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi các giám sát đã triển khai tại tất cả các tỉnh trong cả nước và bao gồm những người hái bông và các nhóm khác trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào vụ thu hoạch như chính quyền địa phương, nhân viên đào tạo và nhân viên y tế. Ngoài ra, một cuộc thăm dò điện thoại 1.000 người được chọn ngẫu nhiên đã được tiến hành.
Các kết quả khẳng định rằng phần lớn 2,6 triệu người hái bông tự nguyện tham gia vào vụ thu hoạch vào năm 2017 và nhận thức cao về sự không chấp nhận lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Báo cáo khẳng định những phát hiện trước đó về việc sử dụng lao động trẻ em một cách có hệ thống trong vụ thu hoạch bông đã kết thúc, mặc dù vậy vẫn cần phải cảnh giác để đảm bảo trẻ em được đến trường.
Hướng dẫn được cung cấp bởi các cơ quan chức năng quốc gia Uzbekistan cho chính quyền địa phương để đảm bảo rằng tất cả khâu tuyển dụng người hái bông là trên cơ sở tự nguyện. Vào tháng 9 năm 2017, một quy định đã được thu hồi đối với một số nhóm gặp rủi ro nhất định (sinh viên, nhân viên đào tạo và nhân viên y tế) từ vụ thu hoạch ở giai đoạn đầu.
Hơn nữa, tiền lương của người hái bông đã tăng lên theo khuyến cáo của ILO và Ngân hàng Thế giới. ILO khuyến nghị rằng chính phủ tiếp tục tăng lương và cũng đề cập đến các điều kiện làm việc để thu hút hơn nữa những người hái bông tự nguyện.
Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Uzbekistan, Shavkat Mirziyoyev phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, ông cam kết chấm dứt lao động cưỡng bức ở quốc gia của ông ấy và nhấn mạnh cam kết của chính phủ với ILO. Vào tháng 11 năm 2017, tại Hội nghị toàn cầu về Xóa bỏ bền vững Lao động Trẻ em ở Argentina, Uzbekistan cũng cam kết tham gia với các nhóm xã hội dân sự độc lập về vấn đề này.
Dự án Theo dõi bên thứ ba của ILO ở Uzbekistan sẽ tập trung vào những thách thức còn lại, đặc biệt là nhu cầu nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực giữa các tỉnh và các huyện khác nhau. Nó sẽ đảm bảo rằng tất cả những người tham gia tuyển dụng sẽ có thông tin và công cụ cần thiết để đảm bảo rằng người hái bông được tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Việc giám sát và kết quả từ một dự án thí điểm ở khu vực phía Nam của Karkalpakstan cũng cho thấy rằng việc hái bông giúp phụ nữ ở nông thôn làm kinh tế. Thu hoạch bông cung cấp cho nhiều phụ nữ cơ hội duy nhất để kiếm thêm thu nhập bằng tiền mà họ có thể kiểm soát và có thể sử dụng để cải thiện tình hình của gia đình họ.
Dự án Theo dõi bên thứ ba của ILO được tài trợ bởi quỹ hỗ trợ từ nhiều các nhà tài trợ, với sự đóng góp lớn của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Thụy Sỹ.
(Nguồn: H.A – Theo Tổ chức Quốc tế
http://congdoan.vn/tin-tuc/nghien-cuu-trao-doi-524/to-chuc-lao-dong-quoc-te-bao-cao-tien-bo-quan-trong-ve-lao-dong-tre-em-va-lao-dong-cuong-buc-tren-cac-canh-dong-bong-o-quoc-gia-uzbekistan-333286.tld)