Hàng chục triệu trái tim cuồng nhiệt dõi theo các “chiến binh” trên sân cỏ là minh chứng lớn nhất cho tình yêu không biên giới của người hâm mộ với môn thể thao vua.
Do vị trí địa lý, Uzbekistan là một trong những quốc gia không giáp biển, bởi thế, những thuận lợi cho kinh tế từ biển không được khai thác từ quốc gia vùng Trung Á này. Tuy nhiên, thiên nhiên cũng không nỡ lấy đi của ai thứ gì mà không bù đắp lại cho họ, nếu không có “biển bạc”, Uzbekistan lại sở hữu những mảnh “đất vàng” đắt giá.
Đúng vậy! Họ là một trong những cường quốc về vàng. Trên thế giới, Uzbekistan là nước đứng thứ 7 thế giới về sản xuất vàng.
Nổi bật nhất là mỏ vàng Muruntau – một trong 10 mỏ vàng lớn nhất thế giới, nằm ở vị trí cách thủ đô của Uzbekistan khoảng 400km về phía tây. Chỉ riêng năm 2010, mỏ vàng Muruntau đã sản xuất khoảng 1,8 triệu ounce vàng.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả! Cũng như Việt Nam, người Uzbekistan có một thứ giống như chúng ta thể hiện những ngày qua – tình yêu vô bờ với môn thể thao vua. Đó thực sự là điều “quý như vàng” của nền bóng đá nước này!
Đến với Uzbekistan, người ta dễ dàng cảm nhận được tinh thần yêu chuộng thể thao của đất nước hơn 31 triệu dân (2016 – World Bank) này, bởi, đối với người Uzbekistan, tinh thần ấy đã được “thắp sáng” từ hàng nghìn năm trước, họ cuồng nhiệt trong những giải đấu hiện đại nhưng cũng đầy cần mẫn trong việc giữ gìn bản sắc của môn thể thao cổ mà người xưa truyền lại.
Cũng giống như nhiều người hâm mộ khác trên thế giới, bóng đá thực sự cuốn hút người Uzbekistan, nó có thể mang người ta gần nhau hơn, đoàn kết hơn, có khi cùng vui – cùng khóc vì nhau hơn.
Còn gì tuyệt vời hơn khi hàng triệu con tim dõi theo từng bước chân và đường bóng của các cầu thủ tuyển quốc gia trên sân cỏ. Và còn gì kỳ diệu hơn khi những “chiến binh” ấy mang niềm hạnh phúc vô bờ cho người hâm mộ nước nhà một chiếc cup vô địch toàn châu lục!
Trong một bài báo nói về bóng đá tại Uzbekistan của tờ The Guardian có đoạn, bóng đá đã trở thành môn thể thao yêu thích nhất không chỉ đối với người dân Uzbekistan, các “trùm dầu khí” giàu có, ngay cả tổng thống nước này cũng đặc biệt quan tâm đến môn thể thao vua.
Vậy, đâu là minh chứng?
Người hâm mộ Uzbekistan của đội bóng nước nhà trên sân cỏ. Ảnh: Iran Daily
Tình yêu bóng của chính phủ và giới tài phiệt
Bằng chứng là, cố Tổng thống Islam Karimov, đã từng ký một sắc lệnh đưa ra các khoản giảm thuế cho bóng đá vào năm 2007.
Trong khi đó, các “trùm dầu khí” đã không tiếc tiền chi 150 triệu USD để xây dựng sân vận động cho riêng Bunyodkor, câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có trụ sở ở thủ đô Tashkent. Được thành lập vào năm 2005, câu lạc bộ non trẻ này từng gây chấn động làng bóng đá thế giới vào năm 2008 khi tuyên bố mời các ngôi sao thế giới như Samuel Eto’o, Rivaldo tới chơi cho mình bằng các hợp đồng “khủng” trị giá hàng chục triệu USD.
Để thỏa mãn niềm đam mê với môn thể thao vua, Giải bóng đá vô địch quốc gia Uzbekistan được thành lập đầu tiên vào năm 1992. Hàng năm, giải diễn ra đều đặn từ tháng 3 đến tháng 11.
Nhằm phục vụ cho các giải đấu, Uzbekistan đã xây dựng sân vận động Pakhtakor Markaziy cực kỳ hoành tráng, với sức chứa lên đến 35.000 người, tọa lạc tại Tashkent – thủ đô và là thành phố lớn nhất nước.
– Minh chứng tình yêu bóng của tuyển thủ Uzbekistan
Trong bài báo tựa đề “Uzbekistan – Nhớ mãi điều kỳ diệu năm 1994” trên Futbolgrad, tác giả Sivan John viết rằng: Đội tuyển quốc gia Uzbekistan đã khiến cả châu Á sửng sốt vì sự xuất thần đầy bí ẩn trên sân cỏ, họ liên tiếp đánh bại các đội tuyển mạnh khác để giành ngôi vô địch tại Đại hội thể thao châu Á (Asiad 12) năm 1994.
Không xuất thần sao được khi những ký ức đau thương về vụ tai nạn hàng không chấn động làng bóng đá năm 1979, khiến toàn bộ cầu thủ “hạt giống” của câu lạc bộ Pakhaktor Tashkent nổi tiếng của Uzbekistan thiệt mạng, vẫn còn đầy ám ảnh và làm tiêu tan hi vọng về một tương lai sáng sủa của nền bóng đá quốc gia non trẻ.
Cũng vì thế, những đầu tư cho bóng đá Uzbekistan những năm đầu 1990 không mấy mặn mà. Tham dự Asiad 12, đội tuyển Uzbekistan chỉ có vỏn vẹn 17 cầu thủ, 1 huấn luyện viên, 1 trợ lý và 1 bác sĩ từ số vốn khiêm tốn khoảng 14.000 USD mà Liên đoàn bóng đá Uzbekistan (UFF) cấp cho.
Trong gian khó mới biết tình yêu bóng đá nhen nhóm từ những năm đầu thế kỷ 20 bùng nổ dữ dội như thế nào: Từ những rào cản, khó khăn đến cú sốc năm 1979, các tuyển thủ Uzbekistan đã biến thành sức mạnh, giúp họ đoạt chức vô địch Asiad 12 trong sự ngỡ ngàng của toàn châu Á bấy giờ.
Chỉ có thể là tình yêu bóng đá – thứ đam mê vô hình ấy – mới có thể biến gian khó thành vinh quang! “Điều kỳ diệu năm 1994” mãi khắc trong lòng người hâm mộ quốc gia này.
Ảnh: Amin M. Jamali/Getty Images
Tình yêu bóng của người hâm mộ
Bóng đá xuất hiện tại Uzbekistan từ những năm đầu thế kỷ 20, qua hàng trăm năm, môn thể thao vua hiển nhiên trở thành “món ăn tinh thần” tuyệt hảo nhất đối với người hâm mộ nước này.
Cũng giống như hàng chục triệu trái tim người hâm mộ bóng đá của Việt Nam, triệu trái tim người dân Uzbekistan cũng đang hướng về các cầu thủ đội mình.
Tình yêu bóng đá của người hâm mộ Uzbekistan không phân biệt tuổi tác, từ trẻ em đến người già, từ đàn ông đến phụ nữ, tất cả đều chung lòng nhiệt huyết hướng đến các cầu thủ yêu quý.
Trong các trận đấu của các cầu thủ nước nhà, sân vận động gần như không còn chỗ trống, các cổ động viên cuồng nhiệt luôn dõi theo từng pha bóng của các “chiến binh” trên sân cỏ. Họ vẽ hình lá cờ quốc gia trên má, đeo băng-rôn, hò hét không ngừng cho đội bóng thân yêu.
Khi đội bóng của họ chiến thắng, người hâm mộ vỡ òa trong niềm hạnh phúc khôn nguôi, có những giọt nước mắt lăn dài vì sung sướng, và cũng có những nụ cười cùng cái ôm rộng mở với cả những người họ không quen.
Đó là những giây phút diệu kỳ mà bóng đá có thể mang lại cho triệu triệu trái tim người hâm mộ!
Người hâm mộ Uzbekistan của đội bóng nước nhà trên sân cỏ. Ảnh: Iran Daily
(Nguồn: http://soha.vn/o-uzbekistan-co-mot-thu-quy-nhu-vang-that-thu-vi-la-dieu-do-giong-viet-nam-20180125093821804.htm
theo Helino)